content top

Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc

Lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đưa ra áp dụng trên một số vùng biển của Việt Nam là sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao tuyên bố hôm nay.

Người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị.
Người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị.

Trước đó, ngày 17/1, mạng Ngư nghiệp Trung Quốc đăng thông báo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về thời gian mùa nghỉ đánh bắt cá năm 2012, theo đó Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực Biển Đông năm nay từ 12 giờ ngày 16/5 đến 12 giờ ngày 1/8. Phạm vi của lệnh bày bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định lệnh nói trên là vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

"Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm", ông Nghị cho biết.

Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đại diện ngoại giao Việt Nam khẳng định.

Ông Nghị cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc và phản đối việc làm nói trên của Trung Quốc.

Mai Trang

ASEAN tăng cường đảm bảo an ninh hàng hải

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, từ ngày 10-11.1, tại Siem Riep, Campuchia đã diễn ra Hội nghị hẹp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN. Đây là Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN đầu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2012 của Campuchia.

d

Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Với chủ đề “ASEAN: Một cộng đồng, một vận mệnh”, tại hội nghị, Campuchia đã đề xuất và được hội nghị tán thành các ưu tiên và trọng tâm của ASEAN trong năm, tập trung vào đẩy nhanh nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hoá - xã hội; tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển; thúc đẩy đoàn kết trong hiệp hội; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại của ASEAN.

Hội nghị cũng nhất trí cần tăng cường hơn nữa hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai, an ninh lương thực, năng lượng, tội phạm xuyên quốc gia và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, kể cả an ninh, an toàn hàng hải.

Các bộ trưởng nhất trí thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, chủ động định hướng, đề ra các sáng kiến và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực và trong các khuôn khổ như ASEAN+1, ASEAN+3, cấp cao Đông Á (EAS), ARF..., khuyến khích sự tham gia tích cực và đóng góp xây dựng của các đối tác vào các mục tiêu chung của khu vực là hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Về biển Đông, các bộ trưởng khẳng định lại tầm quan trọng của việc đảm bảo hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hoà bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), nhất là trong năm 2012 kỷ niệm 10 năm DOC.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò chủ động và đóng góp tích cực, ghi nhận kết quả đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc thông qua tài liệu hướng dẫn triển khai DOC, đóng góp vào việc triển khai đầy đủ DOC.

Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam - với vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc - sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ASEAN tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau với Trung Quốc, trong đó có nỗ lực hướng tới xây dựng và hoàn thiện COC.

B.Q.T

Trung Quốc điều tàu tuần tra lớn nhất đến biển Hoa Đông

Ngày 14-12, Thời báo Hoàn Cầu cho biết Bắc Kinh đã đưa tàu Hải Giám 50, tàu tuần tra lớn nhất nước này, đến biển Hoa Đông.

Tàu Hải Giám 50 trước lúc khởi hành đến biển Hoa Đông - Ảnh:Xinhua

Tàu Hải Giám 50 là tàu tuần tra hiện đại và lớn nhất Trung Quốc hiện nay, có thể mang theo loại trực thăng Z9A do Trung Quốc chế tạo. Chiếc tàu có tải trọng 3.000 tấn bắt đầu đến biển Hoa Đông từ ngày 13-12.

Tàu này sẽ đến thăm bãi đá Rixiang và Suyan, sau đó sẽ đến mỏ khí thiên nhiên Xuân Hiếu và Bình Hồ, cũng như khu vực hợp tác khai thác và phát triển chung Nhật Bản - Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Tàu Hải Giám 50 sẽ phối hợp tuần tra trên biển Hoa Đông cùng với tàu Hải Giám 66 đã được điều đến đây hồi tháng 3-2011.

Giới chuyên gia cho rằng việc đưa tàu Hải Giám 50 đến khu vực trên có khả năng sẽ gây căng thẳng thêm tình hình tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực với Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản và Đài Loan về quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku).

Quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc đã liên tục căng thẳng về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư. Tokyo cho rằng tàu hải giám Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập trái phép vào vùng biển mà Nhật Bản cho là thuộc chủ quyền của mình.

MỸ LOAN (Theo Xinhua, Global Times)

Nguồn : Tuổi Trẻ

Trung Quốc tăng cường tuần tiểu Biển Đông

Một tuần trước chuyến đi Việt Nam của Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hôm nay Trung Quốc đã xuất bến Tàu Hải Giám tối tân 3.000 tấn Haijian 50 trong chuyến hải hành lần đầu tiên tới khu vực biển Hoa Đông tiếp giáp Hàn Quốc và Nhật Bản.

Source china-defense-com

Tàu Hải Giám lớn nhất của Trung Quốc

Đây là Tàu Hải Giám lớn nhất của Trung Quốc được đưa vào họat động.
Các giới chức Trung Quốc mô tả họat động của tàu Haijian 50 là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và tài nguyên biển trong khu vực.
Tàu Haijian 50 được trang bị công nghệ hàng hải tiên tiến nhất của Trung Quốc và có thể chở theo trực thăng Z9A do nước này sản xuất. Thông thường Trung Quốc chỉ sử dụng Tàu Hải Giám trọng tải 1.000 tấn, với trọng tải 3.000 tấn tàu Haijian 50 được mô tả là Tàu Hải Giám lớn nhất của Hoa Lục

Nguồn RFA - Đài Châu Á Tự Do

Xây dựng biển Đông trở thành khu vực hòa bình

Hội nghị quốc tế về biển Đông đã diễn ra trong hai ngày 12 và 13-12 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia với sự tham gia của gần 120 học giả, nhà nghiên cứu, các nhà ngoại giao đến từ 25 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam

Với chủ đề “Biển Đông: Diễn biến gần đây và những đề xuất hướng tới giải pháp tranh chấp hòa bình”, hội nghị đã tập trung vào các phần chính, gồm điểm lại tình hình gần đây ở biển Đông, an ninh biển và vai trò ngoại giao hàng hải, các phương án giải quyết tình hình tranh chấp ở biển Đông, thảo luận nhóm của các chuyên gia về vấn đề này.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Richard Riot Anak Jaem đã nhấn mạnh tầm quan trọng của biển Đông đối với khu vực Đông Nam Á, cho rằng khu vực ASEAN có mối liên kết nhiều mặt không thể tách rời đối với biển Đông về lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế và sinh thái. Ông khẳng định vấn đề tranh chấp trên biển Đông phải được giải quyết về cơ bản, thông qua giải pháp hòa bình và ngoại giao nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa các nước trong khu vực, góp phần xây dựng biển Đông trở thành khu vực hòa bình và hài hòa.

Tại hội nghị, các học giả và các nhà nghiên cứu đến từ Malaysia, Philippines, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Úc và Singapore đã trình bày tham luận, chia sẻ thông tin và đưa ra những đề xuất nhằm tìm cách giải quyết tình hình tranh chấp ở biển Đông hiệu quả hơn, hướng tới hợp tác khu vực sâu rộng hơn.

Theo TTXVN, các đại biểu cũng tập trung thảo luận các chủ đề như việc thực hiện Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), tầm quan trọng chiến lược của các tuyến hàng hải ở biển Đông đối với thương mại châu Á, các hoạt động quân sự gần đây tại những khu vực tranh chấp tại đây.

Trong bài tham luận của mình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam Trần Trường Thủy đã trình bày quan điểm về những diễn biến mới đây trên biển Đông, nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng COC với nội dung và các điều khoản cụ thể nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác khu vực, qua đó vừa quản lý vừa tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp đạt kết quả tốt.


Theo TTXVN

Trung Quốc lại thử nghiệm tàu sân bay

Ngày 29.11, quân đội Trung Quốc tiếp tục cho hạ thủy tàu sân bay đầu tiên của nước này để chuẩn bị cho đợt chạy thử mới, sau lần thử đầu tiên hồi tháng 8, theo website Bộ Quốc phòng Mod.gov.cn. Giới chức không thông báo rõ chi tiết địa điểm và thời gian thử nghiệm.

Việc trang bị tàu sân bay là một trong các động thái gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc thời gian qua và đã gây một số quan ngại trong khu vực.

Trong một diễn biến khác, tờ Chosun Ilbo hôm qua đưa tin EU tỏ ý muốn góp phần hỗ trợ giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển Đông với tư cách “người hòa giải”. Quan chức ngoại giao cấp cao Philippe van Amersfoort của EU tuyên bố: “EU có thể trở thành một nhân tố cân bằng quan trọng và không muốn căng thẳng leo thang”.

EU khẳng định tuy khoảng cách địa lý rất xa nhưng biển Đông đóng vai trò rất quan trọng đối với giao thương và hàng hải của các nước trong khối. Một số báo mạng Trung Quốc lên tiếng phản đối ý tưởng trên và cho rằng Mỹ và EU do đang gặp khủng hoảng kinh tế nên “hiệp lực chèn ép Trung Quốc”.

Ngọc Bi

Nguồn: Thanh Niên Online

ASEAN, TQ chuẩn bị cho Quy tắc ứng xử Biển Đông

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ khởi động những cuộc hội đàm với Trung Quốc về việc soạn thảo tài liệu có tính ràng buộc về các hoạt động ở Biển Đông vào tháng 1 tới, một quan chức chính phủ Philippines hôm 28/11 cho biết.


Ảnh: Wordpress

“Một cuộc gặp giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ diễn ra tháng 1, để xác định những yếu tố chính trong dự thảo Quy tắc ứng xử (COC)", Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Erlinda F. Basilio nói với Chủ tịch Ủy ban đối ngoại - thượng nghị sĩ Loren B. Legarda trong buổi điều trần đặc biệt. “Cuộc gặp dự kiến sẽ diễn ra vào tuần đầu tiên hoặc tuần thứ hai của tháng 1", bà nhấn mạnh.

Bà Basilio đề cập tới dự thảo tài liệu quy định các hoạt động ở những khu vực tranh chấp mà ASEAN cam kết sẽ đưa ra vào tháng 7/2012. COC sẽ đóng vai trò như các hướng dẫn thực thi một tuyên bố được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 về các hoạt động trên Biển Đông.

Thứ trưởng Basilio nhấn mạnh rằng, Philippines sẽ tiếp tục kêu gọi cách tiếp cận đa phương để giải quyết các tranh chấp. "Mặc dù Trung Quốc muốn giải quyết song phương, nhưng các nước tuyên bố chủ quyền thuộc ASEAN lại muốn theo đuổi con đường đa phương", bà nói.

Trước đó, các quan chức Trung Quốc đã từ chối đàm phán đa phương. Họ tuyên bố chỉ nhất trí đàm phán song phương với 4 nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở vùng biển giàu tài nguyên này. Trong khi đó, các nước này và Mỹ cũng như Nhật Bản lại mong muốn giải pháp đa phương giải quyết tranh chấp.

"Tiếp cận đa phương là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề, bảo vệ chủ quyền của chúng tôi (các nước ASEAN)", bà Basilio đồng thời cho biết, các quan chức chính phủ Philippines "hy vọng sẽ huy động được sự ủng hộ của những nước ASEAN khác" đằng sau cách tiếp cận này.

“Chúng tôi cần tận dụng ASEAN, đặc biệt khi chúng tôi sẽ trở thành một cộng đồng vào 2015... Khi ấy, ASEAN sẽ đi đầu trong việc giải quyết tranh chấp", bà nói.

Cuộc điều trần do thượng nghị sĩ Legarda chủ trì để thông báo với Ủy ban đối ngoại Thượng viện về các cuộc thảo luận và kết quả hội nghị thượng đỉnh ASEAN 19 cũng như cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đều diễn ra đầu tháng này. Các vấn đề khác được đưa ra gồm biến đổi khí hậu, đối phó với thảm họa, an ninh năng lượng và lương thực...

Thái An (theo bworldonline)

Nguồn : Vietnamnet

Hệ thống hóa bằng chứng về Hoàng Sa, Trường Sa

Trong cuộc đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa từ tay Trung Quốc và bảo vệ quần đảo Trường Sa, việc hệ thống hóa các bằng chứng để chứng minh rằng “quần đảo này là vô chủ vào thời điểm VN xác lập chủ quyền” và “VN thực thi chủ quyền liên tục” là hai vấn đề mấu chốt.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chúng ta đã làm chủ thực sự ít nhất từ thế kỷ 17. Chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào và chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình”. Như vậy, người đứng đầu Chính phủ đã nêu rõ những cơ sở quan trọng nhất để xác định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa: xác lập chủ quyền đối với đảo vô chủ; thực thi chủ quyền liên tục trên thực tế và bằng biện pháp hòa bình.

Với việc Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa, cuộc đấu tranh giành lại các phần biển đảo bị chiếm đóng đòi hỏi một chiến lược tổng thể và đồng bộ. Trong cuộc đấu tranh dài lâu này, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc là yếu tố cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong vấn đề thu thập tài liệu, bằng chứng.

Trong cuộc trao đổi mới đây với PV Thanh Niên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã giới thiệu một bộ sưu tập gồm hàng trăm bản đồ của Việt Nam và nước ngoài thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông nói: “Các tài liệu của Việt Nam, phương Tây, thậm chí chính tài liệu của người Trung Quốc ngày xưa đều ghi nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam. Mãi tới đầu thế kỷ 20, Trung Quốc mới bắt đầu tính đến việc đòi chủ quyền tại hai quần đảo này, nhưng các tuyên bố của họ rất mơ hồ, vô căn cứ”. Bên cạnh bản đồ, ông Đầu còn sưu tầm nhiều tài liệu lịch sử cũng như là tác giả của nhiều bài báo khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Ông cho biết một số cơ quan chức năng của Việt Nam đã liên hệ với ông để tiếp cận những tư liệu quý giá này nhằm phục vụ công cuộc đấu tranh vì chủ quyền biển đảo. Việc hệ thống hóa các bằng chứng, nằm rải rác khắp nơi, là điều vô cùng quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền.


Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói chuyện về Hoàng Sa, Trường Sa với thanh niên tại TP.HCM - Ảnh: Đỗ Hùng

Tư liệu thời Việt Nam Cộng hòa

Lâu nay, chúng ta thường đưa tin về việc phát hiện các tài liệu thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, những tài liệu của người Trung Quốc, người phương Tây đề cập tới chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Nghiên cứu để sử dụng hợp lý những tài liệu này là rất quan trọng. Bên cạnh các tài liệu “cổ xưa” như trên, chúng ta còn có một hệ thống tư liệu là các văn kiện khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam Cộng hòa. Những tài liệu thời Việt Nam Cộng hòa, trong đó có các tuyên bố phản đối chính thức sau sự kiện Trung Quốc nổ súng chiếm Hoàng Sa năm 1974, là những bằng chứng quan trọng cho chính nghĩa Việt Nam. Trước kia, do nhiều vấn đề còn tồn đọng của lịch sử, chúng ta ít khi công khai những tài liệu trong giai đoạn này. Giờ đây, để phục vụ cho công cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền Trường Sa, những tài liệu ấy cần được nghiên cứu và công bố nhiều hơn, để người dân hiểu rõ hơn về lịch sử chủ quyền, về lập trường xuyên suốt của các chính quyền tại Việt Nam. Không chỉ ở trong nước, các tài liệu này cần được giới thiệu rộng rãi ra quốc tế, để thế giới biết được chính nghĩa của Việt Nam, cũng như nhận thấy hành động dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa mà Trung Quốc đã thực hiện vào năm 1974 và thập niên 1980.

Một nguồn tư liệu sống dồi dào mà lâu nay chúng ta ít đề cập, đó là những con người bằng xương bằng thịt. Họ là những binh sĩ, kỹ thuật viên dân sự Việt Nam Cộng hòa từng chiến đấu và làm việc tại Hoàng Sa. Nhiều người đã ngã xuống khi Trung Quốc nổ súng xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974, nhưng cũng rất nhiều người còn sống và là những bằng chứng hùng hồn cho chủ quyền Việt Nam, cũng như là bằng chứng tố cáo hành động phi nghĩa và phi pháp của Trung Quốc.

Để đấu tranh đòi lại vùng biển đảo bị chiếm đóng, chúng ta phải chứng minh các ý chính mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra khi nói về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa - đó là xác lập chủ quyền đối với đảo vô chủ và thực thi chủ quyền liên tục, trong hòa bình. Về ý “xác lập chủ quyền đối với đảo vô chủ”, chúng ta đã có một hệ thống tư liệu đồ sộ; còn về ý “thực thi chủ quyền trên thực tế và liên tục”, chúng ta cần khai thác mạnh hơn nữa những bằng chứng trong giai đoạn chính quyền Sài Gòn quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam cần chứng minh

Trao đổi với PV Thanh Niên vào hôm qua, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) nói rằng sau tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam cần đẩy mạnh việc trưng ra các bằng chứng chứng minh quá trình thực thi chủ quyền liên tục tại quần đảo Hoàng Sa. “Việt Nam cũng cần phải cung cấp các bằng chứng cho thấy đã từng lên tiếng phản đối sự chiếm đóng của Trung Quốc đối với nhóm Đông và Tây quần đảo Hoàng Sa khi các sự việc này mới xảy ra”, ông Thayer nói. Chuyên gia Úc cũng cho rằng “lập trường của Việt Nam chỉ có thể được củng cố nếu Việt Nam cung cấp một danh sách các hành động phản đối liên tục của mình kể từ năm 1974 (thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa - NV) đến nay”. Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) thì đánh giá: “Việt Nam có quyền đưa ra một tuyên bố như thế (tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - NV). Vấn đề là Việt Nam phải cung cấp bằng chứng cho thấy tuyên bố chủ quyền của mình có cơ sở vững chắc hơn Trung Quốc”. Khái niệm vững chắc hơn, theo ông Valencia, có nghĩa là phải chứng minh được hoạt động thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo.

Đỗ Hùng

Nguồn: Thanh Niên Online

Biển Đông là vấn đề hệ trọng quốc gia

Hôm qua 29.11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội (QH) TP.HCM - đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc đông đảo cử tri Q.3 và Q.4.

Phát biểu với cử tri, Chủ tịch nước cho rằng biển Đông là vấn đề hệ trọng quốc gia. Toàn Đảng, toàn dân phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Trước nhiều ý kiến khác nhau của cử tri liên quan đến luật Biểu tình, Chủ tịch nước cho biết QH đã tiếp thu và đưa vào chương trình chuẩn bị dự thảo để đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Quyền biểu tình đã được đề cập trong Hiến pháp, khi thể chế hóa thành đạo luật phải thể hiện đầy đủ quyền tự do, dân chủ của công dân, phù hợp với tình hình của đất nước nhưng cũng cần phải ngăn chặn được những hành vi lợi dụng quyền tự do để gây bất ổn an ninh trật tự, đời sống xã hội.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi cử tri TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Cũng tại buổi tiếp xúc, một số cử tri TP tiếp tục đề nghị đại biểu Hoàng Hữu Phước giải thích rõ tại sao trên diễn đàn QH nói dân trí thấp nên không cần ban hành luật Biểu tình. Ông Phước bày tỏ rằng, khi dân trí cao hơn, kinh tế giàu hơn thì mới ban hành luật Biểu tình. Ông nói: “Khi những người yêu nước, trí thức xuống đường tuần hành thì nếu như có cản trở mua bán của bà con thì liệu bà con đó có tạt nước hay không. Đó là chưa kể tôi thấy có trường hợp tụ tập đông người, những đôi nam thanh nữ tú chỉ vì không đến được nơi vui chơi giải trí mà đứng thóa mạ người biểu tình... Tôi nói là luật Biểu tình vẫn chưa nên ra. Đó là tôi không phải chống lại Hiến pháp. Là người đại biểu, tôi phải biết lo trước cái lo của người dân, coi dân như cha mẹ, cha mẹ bảo con bất hiếu thì con chịu” (!?). Kết thúc phát biểu, ông Phước khẳng định mình không tán thành luật Biểu tình là vì “mong muốn bảo vệ cha, bảo vệ mẹ” (!).

Đình Phú


Nguồn : Thanh niên Online

Giải pháp đòi lại Hoàng Sa

Làm cách nào để Việt Nam giải quyết và đòi hỏi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình (như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời chất vấn trước Quốc hội)?


Tàu SAR-412 thuộc Trung tâm Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn hàng hải khu vực 2 từng tham gia cứu nạn ngư dân miền Trung tại ngư trường Hoàng Sa - Ảnh: Đăng Nam

Các thành viên của Quỹ Nghiên cứu biển Đông đưa ra một số cơ sở và bước đi để hiện thực hóa công việc này của Việt Nam.

Xác lập chủ quyền

Không thể chinh phục lãnh thổ bằng vũ lực

Theo luật quốc tế, từ đầu thế kỷ 20 việc dùng vũ lực để chinh phục một lãnh thổ đã bị lên án và không được chấp nhận. Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 24-10-1970 ghi rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng thụ đắc bởi một quốc gia khác do đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp”.

Do đó, các hành động dùng vũ lực trái ngược với luật pháp quốc tế của Trung Quốc không thể mang lại danh nghĩa pháp lý cho nước này đối với quần đảo Hoàng Sa.

Nhà nước phong kiến Việt Nam đã biết đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi đó được gọi dưới tên chung là Đại Trường Sa, Hoàng Sa hay Vạn Lý Trường Sa và coi chúng là một phần lãnh thổ của mình.

Trong suốt ba thế kỷ từ 17-19, chính quyền phong kiến Việt Nam đã thực thi liên tục chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa bằng cách thường xuyên cử các đội thuyền Hoàng Sa và Bắc Hải đến các đảo này hằng năm để khảo sát, đo đạc, khai thác tài nguyên một cách có hệ thống, thu lượm các tài sản chìm đắm, xây miếu dựng đền và trồng cây như các biểu tượng khẳng định chủ quyền, tổ chức thu thuế, cứu trợ các tàu thuyền nước ngoài gặp nạn.

Việc thực thi chủ quyền này diễn ra hoàn toàn không gặp bất cứ sự phản đối hay tranh chấp nào từ phía các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc.

Theo luật quốc tế, bản thân quyền phát hiện đầu tiên một lãnh thổ vô chủ không đủ để tạo ra danh nghĩa pháp lý cho quốc gia phát hiện. Muốn thụ đắc chủ quyền, quốc gia này phải tiếp tục chiếm cứ hiệu quả lãnh thổ đó.

Hai nguyên tắc cơ bản trong việc thụ đắc chủ quyền là nguyên tắc thật sự - tức là chiếm hữu thật sự lãnh thổ vô chủ, coi nó như một bộ phận lãnh thổ của mình và thực thi quyền hạn nhà nước, quản lý hành chính trong một thời gian hợp lý; và nguyên tắc công khai - việc chiếm hữu phải được các quốc gia khác công nhận. Một cá nhân hay một công ty không thể thụ đắc chủ quyền lãnh thổ.

Ngoài yếu tố vật chất (corpus), việc chiếm hữu thật sự đồng thời còn đòi hỏi yếu tố tinh thần (animus), nghĩa là ý chí của quốc gia muốn chiếm hữu lãnh thổ vô chủ.

Việc thực thi chủ quyền của nhà nước phong kiến Việt Nam có đầy đủ các yếu tố vật chất và tinh thần, được thực hiện trong một thời gian dài hoàn toàn không gặp bất cứ sự phản đối hay tranh chấp nào từ phía các nước khác, đảm bảo được cả nguyên tắc thật sự và nguyên tắc công khai, do đó việc xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa bởi Việt Nam trong thời kỳ nhà nước phong kiến là không thể tranh cãi và ít nhất từ thế kỷ 17, Hoàng Sa đã không còn là lãnh thổ vô chủ (terra nullius).

Sau khi thiết lập chế độ bảo hộ tại Việt Nam, Pháp đã đại diện cho Việt Nam trong việc thực thi và bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Đến ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp chính thức trao lại cho chính quyền Bảo Đại việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 22-8-1956, sau khi quân Pháp rút đi, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã thiết lập ngay lập tức sự kiểm soát của họ tại Hoàng Sa và Trường Sa và đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp này.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời ngày 2-7-1976 là bên kế thừa hợp pháp của hai nhà nước trước đó, tiếp tục sở hữu danh nghĩa pháp lý đối với quần đảo Hoàng Sa cho đến nay.

Tuy đã mất yếu tố vật chất do bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng vũ lực, nhưng Việt Nam vẫn luôn thực thi chủ quyền của mình bằng yếu tố tinh thần. Tháng 12-1982, Việt Nam đã thành lập huyện Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Được hoàn thành năm 2009, tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (đặt tại huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) mang tính biểu tượng tâm linh tri ân những người từng hi sinh trên biển Đông bảo vệ chủ quyền biển đảo trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa - Ảnh: Kim Em

Đấu tranh ngoại giao

Chúng ta cần tận dụng tất cả các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hiệp Quốc, APEC, ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á... nhằm tranh thủ công luận quốc tế cho một cuộc đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc. Thiếu sự hỗ trợ tinh thần và pháp lý của cộng đồng quốc tế sẽ khiến khả năng chấp nhận của Trung Quốc trên bàn đàm phán song phương vốn đang khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.

Đương nhiên, không thể không vận dụng sức mạnh của dư luận và trí tuệ nhân dân, học giả và chuyên gia các giới Việt Nam trong và ngoài nước để tác động đến nhân dân thế giới và những nhà đàm phán Trung Quốc.

Những tác động này phải đủ mạnh và kiên trì, nhưng đồng thời cũng khẳng định thiện chí đàm phán và hợp tác hòa bình với Trung Quốc.

Chúng ta cần đưa vấn đề Hoàng Sa ra đàm phán song phương với phía Trung Quốc cùng lúc phân tích cái lợi của việc đàm phán này đối với các lợi ích khác của Trung Quốc như sức mạnh mềm, bình an ở vùng biển phía nam để phát triển kinh tế của họ.

Và cần đưa việc tranh chấp Hoàng Sa vào phạm vi điều chỉnh của COC (Quy tắc ứng xử trên biển Đông) cũng như các văn bản khác trong tương lai. Tất nhiên chúng ta vận dụng khéo léo vị thế mà mình đang có để đàm phán với Trung Quốc để họ hiểu rằng đàm phán song phương và hòa bình là cách mà Trung Quốc sẽ được nhiều hơn về uy tín trên trường quốc tế.

Lập cơ quan chuyên trách

Trước hết, Nhà nước cần lập cơ quan chuyên trách làm đầu mối và quy tụ các trí thức am hiểu về ngoại giao, sử học, công pháp quốc tế, Trung Quốc học để liên tục đưa ra yêu cầu giải quyết và khẳng định chủ quyền Hoàng Sa một cách thiện chí và hòa bình. Cơ quan này có trách nhiệm chuẩn bị cho chứng cứ pháp lý và lịch sử, sẵn sàng cho việc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Tòa án công lý quốc tế (IJC).

Chúng ta cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ những vụ án xét xử tranh chấp lãnh thổ giữa các nước Malaysia, Singapore, Indonesia, Campuchia, Thái Lan.

Theo luật quốc tế, tòa chỉ có thẩm quyền giải quyết một tranh chấp một khi tất cả các bên trong tranh chấp công nhận thẩm quyền của tòa cho vụ tranh chấp đó.

Hiện tại, Trung Quốc chưa hề công nhận thẩm quyền xét xử của tòa cho tranh chấp biển Đông. Vì vậy, Việt Nam không thể khởi kiện Trung Quốc trước tòa để giải quyết tranh chấp về Hoàng Sa.

Chúng ta cần đàm phán, gây áp lực với Trung Quốc để đạt được một sự đồng ý của Trung Quốc nhằm đưa tranh chấp Hoàng Sa ra trước IJC.

Công việc này đòi hỏi sự bền bỉ. Vì vậy các kinh nghiệm về đấu tranh, kiến thức về đàm phán, pháp luật, lịch sử cũng cần được học tập và ứng dụng một cách lâu dài.

Nhà nước cần phổ biến thông tin một cách sâu rộng trong toàn dân và kiều bào để có sự hậu thuẫn cao nhất cho sự nghiệp lớn này. Nhân dân ta thông hiểu đầy đủ thì mới gia tăng sức mạnh của ngoại giao nhân dân và tác động mạnh mẽ đến nhân dân Trung Quốc và Hoa kiều trên toàn thế giới. Chúng ta cần kêu gọi tập trung chứng cứ về Hoàng Sa, đồng thời đề nghị các học giả Việt Nam trong và ngoài nước cung cấp, phân tích và hệ thống hóa các chứng cứ này.

Và điều rất quan trọng là chúng ta chủ động chọn thời điểm để nêu vấn đề khôi phục và thu hồi Hoàng Sa tại các diễn đàn thế giới và khu vực để chuẩn bị dư luận ngoài nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Chúng ta làm chủ Hoàng Sa từ lâu

Chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thật sự ít nhất là từ thế kỷ 17. Chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào và chúng ta đã làm chủ trên thực tế.

Năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này.

Lập trường nhất quán của chúng ta là Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, phù hợp với Công ước về Luật biển, phù hợp với tuyên bố DOC.

(Trích nội dung trả lời chất vấn của Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG ngày 25-11-2011)

NGUYỄN THÁI LINH - LÊ MINH PHIẾU - LÊ VĨNH TRƯƠNG (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)


Nguồn : Yahoo news

Tiếng nói khẳng định

Trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu quốc hội (QH), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói lên tiếng nói khẳng định đầy trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam (VN) trong những vấn đề lớn của đất nước. Về chủ quyền của VN.

Đối với quần đảo Hoàng Sa, thì đây là vấn đề đã được Nhà nước và nhân dân VN khẳng định từ lâu trong các văn bản pháp lý cũng như trên công luận. Nhưng người dân vẫn thiết tha mong được nghe trực tiếp người đứng đầu Chính phủ nói thẳng thắn về vấn đề này mà không phải dùng một từ mà người dân rất dị ứng là “nhạy cảm”. Chủ quyền của đất nước là vấn đề lớn lao, nghiêm trọng, rõ ràng, chứ không phải vấn đề nhạy cảm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rõ: trong lịch sử, ít nhất là từ thế kỷ 17, VN đã làm chủ thật sự quần đảo Hoàng Sa, khi quần đảo này chưa thuộc bất cứ quốc gia nào. Năm 1956 và năm 1974, Trung Quốc đã hai lần chiếm đóng và dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN, lúc đó thuộc quyền quản lý của chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn và Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam VN lúc đó đã kịp thời lên tiếng phản đối, lên án sự xâm chiếm trái phép đó và yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp.

Nhưng VN là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế. Vì vậy, chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.

Như vậy là sự thật đã được nói lên một cách rõ ràng, chính danh, không tránh né. Với chủ quyền của VN trên quần đảo Trường Sa, cách trả lời của Thủ tướng cũng hợp tình hợp lý, hợp hoàn cảnh thực tế.

Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, một khi nó đã được người đứng đầu Chính phủ VN tuyên bố một cách bình tĩnh và dõng dạc như vậy, là thêm một lần nữa khẳng định ý nguyện của toàn dân VN kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên đất, trên biển và các đảo thuộc quốc gia mình.

Cũng chính từ việc tôn trọng ý nguyện nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị QH xem xét đưa luật Biểu tình vào chương trình xây dựng pháp luật (và đã được QH thông qua). Mục đích của xây dựng luật Biểu tình là để đảm bảo quyền tự do, dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp VN quy định tại điều 69. Không thể lập luận như một ý kiến của đại biểu nào đó là do dân trí VN còn thấp nên chưa thể xây dựng luật Biểu tình. Nói như thế không chỉ xúc phạm nhân dân, mà còn vi hiến. Mỗi đạo luật ra đời chính là để nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của mỗi người dân, cũng chính là để nâng cao dân trí. Tự do và dân chủ phải là mục tiêu phấn đấu của một đất nước, một dân tộc, và pháp luật chính là để đảm bảo thực thi quyền tự do dân chủ ấy của mỗi công dân.

Cử tri cả nước đã được nghe những câu trả lời rành rọt, trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về những vấn đề mà mình quan tâm. Một khi nhân dân đã quan tâm một cách thiết tha tới những vấn đề lớn lao của đất nước, của cộng đồng như vậy, thì rõ ràng dân trí VN không hề thấp. Người đứng đầu Chính phủ, qua trả lời trước QH của mình, cũng đã khẳng định điều đó.

Vấn đề bây giờ chỉ là những biện pháp để thực hiện những điều đã được khẳng định ấy mà thôi.

Thanh Thảo

Thẳng thắn chuyện chủ quyền biển đảo

Trong một tiếng rưỡi đăng đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành khoảng 30 phút báo cáo trước QH về 6 vấn đề lớn mà nhiều ĐBQH cũng như đồng bào cả nước quan tâm và dành trọn một tiếng còn lại để trả lời chất vấn trực tiếp các ĐBQH.

Khẳng định chủ quyền ở biển Đông

Là người nhấn nút đăng ký chất vấn Thủ tướng đầu tiên, ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đề nghị người đứng đầu Chính phủ cho biết “những giải pháp cụ thể Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới để bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta?”. Cũng đặc biệt quan tâm vấn đề này, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng chất vấn thêm Thủ tướng: “Chính phủ đã có những giải pháp gì để ngư dân Việt Nam yên tâm bám biển, đẩy mạnh đánh bắt cá ở biển Đông, nhất là ngư trường truyền thống của cha ông chúng ta là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa để đẩy lùi những nước dùng sức mạnh thu hồi lưới, thu hồi thuyền và bắt nhốt ngư dân chúng ta”.


QH sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn

Kết thúc 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết đã có 175 lượt ĐBQH đặt câu hỏi trực tiếp chất vấn các bộ trưởng, trong đó có 22 ý kiến đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng. Không khí chất vấn và trả lời chất vấn rất thẳng thắn, tâm huyết, đầy trách nhiệm và rất nghiêm túc.

Chủ tịch QH đồng thời cho biết đoàn thư ký kỳ họp sẽ trực tiếp gửi tới các ĐBQH bản dự thảo nghị quyết của QH về những vấn đề cần ban hành nghị quyết trong phiên chất vấn này để các ĐB cho ý kiến.


“Chú ý lắng nghe thì tôi thấy các vấn đề ĐB đặt ra đều quan trọng và có phạm vi khá rộng. Tôi xin cố gắng trình bày từng vấn đề”, Thủ tướng bắt đầu trả lời chất vấn bằng lời nói cầu thị, và quyết định chọn biển Đông là chủ đề giải đáp đầu tiên, mặc dù chỉ có 2 trên tổng số 22 ĐB đặt câu hỏi trực tiếp tại hội trường về vấn đề này.

Thủ tướng, sau khi nhắc lại đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia của Đảng và Nhà nước ta và căn cứ trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như những thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà ta và Trung Quốc vừa ký trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc vừa qua, đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với 4 loại vấn đề trên biển Đông”.

Xúc tiến phận định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ

Vấn đề thứ nhất, theo Thủ tướng, là về đàm phán phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Trong vịnh Bắc Bộ sau nhiều năm đàm phán, ta và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới năm 2000, còn vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ nếu theo Công ước luật Biển năm 1982 thì thềm lục địa của nước ta có chồng lấn với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Từ năm 2006 hai bên đã tiến hành đàm phán, mãi tới năm 2009 thì hai bên quyết định tạm dừng vì lập trường còn rất khác xa nhau. Đến đầu năm 2010, hai bên thỏa thuận là nên tiến hành đàm phán những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Sau nhiều lần đàm phán, nguyên tắc đó đã được hai bên ký kết nhân dịp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vừa rồi.

Trên nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển này thì vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì vậy 2 nước Việt Nam và Trung Quốc cùng nhau đàm phán để phân định ranh giới vùng biển này trên cơ sở Công ước luật Biển, trên cơ sở DOC, trên cơ sở các nguyên tắc đã thỏa thuận.

Để có một giải pháp hợp lý mà hai bên có thể chấp nhận được, chúng ta đang thúc đẩy cùng với Trung Quốc xúc tiến đàm phán giải quyết việc phân định này. Cũng xin nói thêm, trong khi chưa phân định thì trên thực tế với chừng mực khác nhau, hai bên cũng đã tự hình thành vùng quản lý của mình trên cơ sở đường trung tuyến. Cũng trên cơ sở này chúng ta có đối thoại với Trung Quốc để bảo đảm cho việc an ninh, an toàn trong việc khai thác nghề cá của đồng bào chúng ta.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: Ngọc Thắng

Đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình

Vấn đề thứ hai Thủ tướng đề cập, là chúng ta giải quyết và khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Chúng ta khẳng định có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự ít nhất là từ thế kỷ 17. Chúng ta làm chủ khi 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào và chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình. Nhưng đối với Hoàng Sa, năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo. Đến năm 1974, cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam của chúng ta lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này.

Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này của chúng ta phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, phù hợp với Công ước về luật Biển, phù hợp với tuyên bố DOC.


''Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này của chúng ta phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, phù hợp với Công ước về luật Biển, phù hợp với tuyên bố DOC'' - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng


Thực hiện quyền làm chủ tại Trường Sa

Thủ tướng nói đến vấn đề thứ ba là quần đảo Trường Sa, năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc thì hải quân chúng ta đã tiếp quản 5 hòn đảo tại quần đảo Trường Sa, đó là đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết và Sơn Ca, 5 đảo này do quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang quản lý, chúng ta tiếp quản.

Sau đó với chủ quyền của chúng ta, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo, với 33 điểm đóng quân. Ngoài ra chúng ta còn xây dựng thêm 15 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền của chúng ta ở vùng biển này, vùng biển trong phạm vi mà 200 hải lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Trong khi đó ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cũng đã chiếm 7 bãi đá ngầm, Đài Loan chiếm 1 đảo nổi, Philippines chiếm 9 đảo, Malaysia chiếm 5 đảo, còn Brunei có đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển nhưng không chiếm giữ đảo nào.

Như vậy trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất so với các quốc gia và các bên có đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo này. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo mà chúng ta đang đóng giữ với 21 hộ, 80 khẩu, trong đó có 6 khẩu cũng đã sinh ra, lớn lên ở các đảo này.


Đảo Trường Sa lớn của Việt Nam - Ảnh: Đ.N.T

Theo luật pháp quốc tế

Vấn đề thứ tư mà Thủ tướng phát biểu liên quan tới cam kết quốc tế là chúng ta nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện theo đúng Công ước luật Biển năm 1982 và tuyên bố DOC là phải bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, tự do hàng hải ở biển Đông. Bởi vì đây là mong muốn, là lợi ích của tất cả các bên liên quan, không chỉ của Việt Nam, của tất cả các bên liên quan của các nước. Vì trên biển Đông là tuyến đường vận tải hàng hóa từ đông sang tây mà tuyến đường này là tuyến vận tải từ 50-60% tổng lượng hàng hóa.

“Chúng ta phải khẳng định chủ quyền của chúng ta trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước luật Biển năm 1982. Chúng ta đã và sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền để quản lý thực hiện chủ quyền ngày càng đầy đủ hơn, hiệu quả hơn đối với vùng biển này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho biết, đồng thời với việc tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế-xã hội và cơ sở vật chất, kỹ thuật ở những nơi chúng ta đang đóng giữ, bao gồm cả đường sá, điện, trạm xá, trường học, nước... để cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ của quân dân đảo Trường Sa, Chính phủ cũng đang “yêu cầu sơ kết đánh giá lại cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào ta khai thác thủy, hải sản, vận tải biển trong khu vực này, để làm sao khuyến khích, hỗ trợ cho bà con của chúng ta thực hiện làm ăn sinh sống, thực hiện chủ quyền trên vùng biển Trường Sa”.


Nguồn Thanh Niên Online

Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam

Ngày 25-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn các ĐBQH. Nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng và rất nhạy cảm như Biển Đông, chủ quyền quốc gia, xây dựng Luật Biểu tình… đã được Thủ tướng trả lời thẳng thắn, rõ ràng trước Quốc hội.


Một lớp học trên đảo Trường Sa

Mở đầu phần chất vấn trực tiếp Thủ tướng, ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) hỏi: “Giải pháp cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới để bảo vệ chủ quyền biển đảo? Quan điểm và chủ trương của Chính phủ đối với việc người dân biểu thị lòng yêu nước của mình trước những hành động của các thế lực bên ngoài vi phạm chủ quyền biển đảo?”. ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) tiếp: “Thủ tướng có thể cho cử tri biết rõ thêm về những căn cứ mà Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng pháp luật?”.

Điểm lại tiến trình đàm phán về vấn đề Biển Đông những năm qua, Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”. Ông nói: “Chúng ta đã làm chủ thực sự ít nhất là từ thế kỷ XVII. Chúng ta làm chủ khi 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào và chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa - lúc đó trong sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam của chúng ta lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, với Công ước về Luật Biển và Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (gọi tắt là DOC)”.

Thủ tướng cũng thông tin, trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo nhiều nhất so với các quốc gia và các bên có đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn, sinh sống trên một số đảo với 21 hộ, 80 nhân khẩu. Trong đó, có 6 khẩu đã sinh ra, lớn lên ở các đảo này.

Thủ tướng khẳng định, chủ trương của Việt Nam là nghiêm túc thực hiện Công ước Luật Biển, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố DOC và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây mà chúng ta đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể, Việt Nam yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm tình hình ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực này. Ông nói tiếp: “Thứ hai, chúng ta tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế-xã hội và cơ sở vật chất, kỹ thuật ở những nơi đang đóng giữ để cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ của quân dân đảo Trường Sa. Thứ ba, chúng ta đã có các cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào ta khai thác thủy, hải sản, vận tải biển trong khu vực này. Chính phủ đang yêu cầu sơ kết, đánh giá lại các cơ chế chính sách này. Thứ tư, chúng ta nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện luật pháp quốc tế về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, tự do hàng hải ở Biển Đông”.

Trả lời câu hỏi về Luật Biểu tình, Thủ tướng cho rằng, nên bắt tay nghiên cứu Luật Biểu tình để thực hiện Hiến pháp. Ông nói: “Chúng ta chưa có luật để điều chỉnh vấn đề này. Do đó, sẽ khó cho người dân khi thực hiện quyền được Hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền. Chính phủ đã có Nghị định quản lý, điều chỉnh hiện tượng này nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vì vậy, Chính phủ thấy rằng, nên kiến nghị với Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật để có Luật Biểu tình. Luật đó phù hợp với Hiến pháp, với đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật”.

Thủ tướng cũng khẳng định: “Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả các hoạt động, đối với tất cả những việc làm của tất cả mọi người dân của chúng ta thật sự vì mục tiêu yêu nước, thật sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng đồng thời cũng không hoan nghênh và buộc xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những hoạt động, những hành vi có động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, lợi dụng danh nghĩa bảo vệ chủ quyền để thực hiện mục tiêu, mục đích gây phương hại cho đất nước, cho xã hội...”.

Còn khá nhiều ĐBQH chất vấn và Thủ tướng “sẵn sàng trình bày tiếp” nhưng vì thời gian có hạn nên Thủ tướng nói “sẽ trả lời bằng văn bản trực tiếp đến các ĐBQH” và “nếu cần thiết sẽ công bố trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để đồng chí, đồng bào biết rõ trình bày của Thủ tướng…”.

Chính Trung

Nguồn An Ninh Thủ Đô

Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa

Chiều 24-11, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 vừa qua, Trung Quốc đã tỏ ra sẵn sàng tham gia cùng ASEAN thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định:

“Hòa bình, ổn định an ninh, tự do an toàn hàng hải ở biển Đông là lợi ích chung của khu vực và tất cả các nước; các bên liên quan cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)”.

Ông Lương Thanh Nghị cho biết Việt Nam hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí tiếp tục thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng COC.

Bình luận về việc báo chí Trung Quốc ngày 22-11 đưa tin Sở GTVT tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) cấp phép cho một công ty tổ chức tour du lịch tham quan tại quần đảo Hoàng Sa, ông Lương Thanh Nghị nói: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của nước ngoài tại hai khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần DOC”.

Trung-Nhật sẽ bàn về cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển

Trung-Nhật gần đây liên tiếp xảy ra va chạm trên biển, nhất sẽ hoạt động gia tăng của Hải quân Trung Quốc khiến cho Nhật Bản lo ngại.

Hãng Kyodo Nhật Bản cho biết, chính phủ hai nước Trung-Nhật đang đàm phán để xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển. Cơ chế này nhằm tiến hành kết nối, xây dựng lòng tin để quản lý các cuộc khủng hoảng trên biển. Hai bên còn xem xét khai thông đường dây nóng điện thoại cấp Bộ trưởng.

Vào trung tuần tháng 12/2011, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda rất có thể đến thăm Trung Quốc, khi đó hai bên Trung-Nhật sẽ tranh thủ đạt được thỏa thuận cơ bản về xây dựng cơ chế mới.

Trung-Nhật từng xảy ra sự cố va chạm tàu trên vùng biển quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư)

Tin cho biết, theo nguồn tin từ ngoại giao hai nước Trung-Nhật, xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển là do phía Nhật Bản đề xuất, khuôn khổ của cơ chế này là Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Bộ Ngoại giao Trung Quốc chủ trì đàm phán định kỳ.

Thành phần tham gia của phía Nhật Bản còn có Cục Bảo vệ An ninh Biển, Cục Thủy sản, Cục Tài nguyên Năng lượng và Cục Khoa học-Bộ Văn hóa.

Phía Nhật Bản hy vọng Cục Hải dương Quốc gia, Cục Ngư chính, Cục Hải sự và Bộ Công an Trung Quốc tham gia cơ chế này.

Thiết lập đường dây nóng là để nhanh chóng làm dịu tình hình khi xảy ra sự cố bất ngờ. Đường dây nóng sẽ kết nối Ngoại trưởng Nhật Bản với Ủy viên Quốc vụ phụ trách ngoại giao của Trung Quốc.

Hạm đội Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Genba ngày 23/11 tới Bắc Kinh, chính thức đề nghị với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì về việc sớm xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng, đồng thời làm công tác chuẩn bị cho lãnh đạo hai nước đạt được thỏa thuận.

Các nguồn tin cho biết, nội bộ Trung Quốc có ý kiến phản đối xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển với Nhật Bản, cho rằng điều này sẽ ràng buộc quyền hạn của các bộ ngành hoặc tổ chức có liên quan của Trung Quốc.

Cơ chế này muốn trở thành hiện thực cần phải trải qua nhiều khó khăn.

Trung Quốc tổ chức tập trận trên biển

Trung Quốc vừa qua tuyên bố sẽ tiến hành nhiều cuộc tập tại phía Tây Thái Bình Dương trong tháng này. Việc này diễn ra chỉ một tuần sau khi Washington quyết định đưa 2.500 lính thủy đánh bộ tới miền bắc Australia.

Thứ tư 23/11/2011 23:40

Bắc Kinh nhấn mạnh quyền được tổ chức các cuộc tập trận thường niên tại khu vực bất chấp mối quan ngại về sự phát triển quân đội, mà cụ thể là lực lượng hải quân Trung Quốc.

Sau nỗ lực thúc đẩy đàm phán trong khu vực của tổng thống Barack Obama là cuộc gặp mặt không lấy gì làm vui vẻ giữa Mỹ và Trung Quốc tại hội nghị châu Á – Thái Bình Dương diễn ra tại Indonesia, nhất là khi Mỹ đề cập tới chủ đề tranh chấp tại khu vực biển Đông.

Việc Hoa Kỳ đưa quân đội, tàu chiến và máy bay chiến đấu tới thành phố Darwin, Australia đã đưa Trung Quốc vào tình cảnh như ngồi trên lửa với nhận định Hoa Kỳ đang đưa nước này vào vòng bao vây của quân đồng minh.

Thứ tư vừa qua, trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đăng tải thông tin: “Việc tập trận trên biển là hoạt động thường niên. Các hoạt động này không nhằm vào bất kỳ một quốc gia nào và sẽ thực hiện theo đúng luật quốc tế. Các quốc gia khác không được phép cản trở tự do hàng hải và các quyển lợi khác của Trung Quốc”. Đoạn thông báo ngắn gọn nhưng không hề cho biết cuộc tập trận sẽ diễn ra tại đâu.


Trong khi đó, hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này cho hay 6 tàu chiến của Trung Quốc đã đi qua khu vực Thái Bình Dương gần hải phận của tỉnh Okinawa vào sớm ngày thứ ba.

Việc hiện đại hóa, phát triển lực lượng hải quân của Trung Quốc đã gây nhiều mối quan ngại khắp châu Á và kích ngòi cho nhiều tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này. Mới đây, Trung Quốc đã bắt đầu đóng và sản xuất nhiều tàu ngầm, tàu mặt nước và tên lửa chống hạm mới. Đồng thời, hồi tháng 8, nước này cũng đã cho chạy thử chiếc hàng không mẫu hạm Thi Lang được sửa chữa lại từ một chiếc hàng không mẫu hạm cũ của Liên Xô cũ.

Chỉ trong một năm trở lại đây, Trung Quốc đã liên tiếp để xảy ra va chạm trên biển với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Các vụ việc xảy ra tuy không nghiêm trọng nhưng đã làm nóng các phản ứng ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Đặc biệt trong đó là khu vực biển Đông nơi được ước tính số tiền mang lại từ giao thương lên tới 5 nghìn tỷ đô la Mỹ.

Trong hội nghị Đông Á cuối tuần qua tại Bali, Indonesia, một quan chức Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ việc đưa tranh chấp tại biển Đông ra họp bàn, một chủ đề mà Trung Quốc không hề muốn đề cập tới tại các hội nghị quốc tế cấp cao và giữ nguyên quan điểm đàm phán song phương.

Tổng thống Obama đã trực tiếp nói với Thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo, người đã từng cảnh báo Mỹ nên đứng ngoài các tranh chấp tại biển Đông, rằng Hoa Kỳ muốn đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực này.

Cùng lúc đó, báo chí ở quê nhà ông Ôn Gia Bảo thì liên tiếp đăng tải các thông tin Hải quân Trung Quốc hiện đại hóa là một hành động cần thiết để đảm bảo cho sự trỗi dậy của nước này, đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ các mối quan tâm của Trung Quốc trên toàn thế giới.

Hà Anh
Theo Reuters

An Ninh Thủ Đô

Hôm nay, Bộ Ngoại giao báo cáo QH về biển Đông



Theo chương trình Nghị sự, sáng nay (21/11), Quốc hội họp riêng về dự án Luật biển Việt Nam.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật biển Việt Nam và báo cáo thêm một số vấn đề về tình hình biển Đông.

Sau đó, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật biển Việt Nam.

Cũng trong sáng nay, sau khi họp riêng về Luật Biển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật giám định tư pháp.

Chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở tổ về dự án Luật biển Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là buổi họp kín, không có sự tham gia của báo chí.


Xuân Hưng

Bác bỏ lập luận của Trung Quốc về Biển Đông

Ngày 19.11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức nêu vấn đề Biển Đông ra trước diễn đàn của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tại Bali, Indonesia. Tại hội nghị, đại biểu nhiều nước đã lên tiếng bác bỏ lập luận của Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.

Trong những ngày qua, Bắc Kinh đã nỗ lực phản đối ý định của Tổng thống Mỹ Obama muốn nêu vấn đề Biển Đông ra trước Hội nghị EAS gồm 18 nước. Tuy nhiên, nỗ lực này đã bị thất bại. Và, sau khi ông Obama nêu ra vấn đề này, nhiều nước đã hưởng ứng. Hơn thế, quan điểm chủ quyền lịch sử của Trung Quốc hầu như đã bị toàn bộ các nước có mặt tại Bali phủ nhận.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được mọi người thừa nhận. Khái niệm tôn trọng luật quốc tế - đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 được nhắc lại ở đây - là nhằm phản bác quan điểm của Bắc Kinh rằng, Biển Đông thuộc về Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Tổng thống Mỹ Obama cũng tỏ thái độ không đồng tình với đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Vấn đề được nhiều nhà phân tích ở đây nêu lên là liệu Trung Quốc có tôn trọng những cam kết nêu trên hay không, hay nước này lại tìm cách dùng sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ?

Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa thì cũng có thể nói rằng tại Hội nghị Bali kết thúc ngày 19.11, Bắc Kinh đã bị đơn độc trong vấn đề Biển Đông vì không một nước nào lên tiếng ủng hộ quan điểm chủ quyền của Trung Quốc.

Trên thực tế, trong các cuộc họp ở Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19, Bắc Kinh đã bị đẩy vào thế thủ do quan điểm đòi chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông của họ dựa trên yếu tố lịch sử. Trong nhiều cuộc họp song phương hay đa phương, vấn đề này đã được gợi lên và đi đến cùng một kết luận: Tranh chấp phải được giải quyết trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế.

Vấn đề Biển Đông hâm nóng Hội nghị cấp cao đông Á 6

Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ sáu (EAS-6) đã bế mạc chiều 19/11 tại Bali (Indonesia). Vấn đề Biển Đông đã được Tổng thống Mỹ nêu ra trước hội nghị và cũng được gợi lên trong rất nhiều cuộc họp song phương và đa phương.



Tổng thống Mỹ tham dự EAS 6 với các nhà lãnh đạo 17 nước trong khối

Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức nêu vấn đề Biển Đông ra trước diễn đàn EAS 6 nhấn mạnh thêm tính chất quốc tế của hồ sơ này.

Trong khi đó, theo AFP, vấn đề Biển Đông cũng được gợi lên trong rất nhiều cuộc họp song phương và đa phương và quan điểm chủ quyền lịch sử của Trung Quốc hầu như đã bị toàn bộ các nước có mặt tại Bali phủ nhận.

Trung Quốc luôn luôn bác bỏ những lời kêu gọi quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông, nơi họ viện dẫn yếu tố lịch sử để đòi chủ quyền trên hầu hết vùng biển này.

Trước EAS 6 diễn ra hôm qua tại Bali, Trung Quốc đã liên tục tuyên bố phản đối ý định của Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn nêu vấn đề Biển Đông ra trước EAS 6 có sự tham dự của lãnh đạo 18 nước, trong đó Mỹ và Nga lần đầu tiên có mặt với tư cách thành viên chính thức.

Kết thúc EAS-6, các nhà lãnh đạo ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại đã ra Tuyên bố về các nguyên tắc của các mối quan hệ cùng có lợi và Tuyên bố về Kết nối ASEAN.

Các nước tham gia EAS-6 đã nhất trí tăng cường tôn trọng độc lập, chủ quyền, sự bình đẳng, bản sắc dân tộc của nhau; Thúc đẩy quan hệ láng giềng tốt, đối tác tốt, tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau; Duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, thịnh vượng; không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Các nhà lãnh đạo EAS cam kết không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực chống lại nước khác; giải quyết khác biệt và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế; tăng cường khả năng đối phó của khu vực, trong đó có việc đối phó với khủng hoảng kinh tế và thảm hoạ thiên nhiên...

Các nhà lãnh đạo EAS đã đồng ý tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi trong EAS và giữa EAS với các tổ chức khu vực khác.

Trà Giang
Theo AFP, AP

Nguyên thủ ASEAN nhất trí để Myanmar giữ chức chủ tịch khối

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí để Myanmar có thể nắm chức chủ tịch khối vào năm 2014, trong bối cảnh có một số dấu hiệu cải cách trong nước này - quyết định được đưa ra sau ngày họp đầu tiên của hội nghị cấp cao ASEAN tại Bali, Indonesia.



Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa thông báo với báo giới sau cuộc họp hôm qua

“Quyết định được sự nhất trí của toàn bộ các thành viên”, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa nói với báo giới sau cuộc họp.
“Các nước thành viên tin rằng Myanmar đã đạt được tiến bộ đáng kể trên con đường dân chủ... Không phải lúc nào cúc nói về quá khứ, mà phải nói về tương lai, đó là những gì các nhà lãnh đạo đang làm vào lúc này”.
“Chúng tôi đang cố gắng để đảm bảo quá trình thay đổi sẽ tiếp tục”.

Ko Ko Hlaing, trưởng cố vấn chính trị cho Tổng thống Myanmar, cho biết ASEAN đã chào đón Myanmar như một quốc gia lãnh đạo có trách nhiệm.

Hôm qua, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã chính thức khởi động Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 tại Bali. Mối quan tâm chính của khối Đông Nam Á là thúc đẩy tiến trình hội nhập, nhưng vấn đề Biển Đông cũng nổi cộm.

Bài diễn văn khai mạc hội nghị của Tổng thống Indonesia, nước chủ trì khối ASEAN, đã tập trung trên chủ đề chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 tại Bali, đó là “Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng toàn cầu của các quốc gia”.

Ông Susilo Bambang Yudhoyono đã nhấn mạnh đến 5 điểm chủ yếu cần giải quyết trong khuôn khổ các hội nghị lần này. Điểm thứ tư liên quan đến vấn đề an ninh trong đó Tổng thống Indonesia gián tiếp gợi lên tranh chấp Biển Đông.

Nhật Mai
Theo AFP, BBC

content top