content top

Bác bỏ lập luận của Trung Quốc về Biển Đông

Ngày 19.11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức nêu vấn đề Biển Đông ra trước diễn đàn của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tại Bali, Indonesia. Tại hội nghị, đại biểu nhiều nước đã lên tiếng bác bỏ lập luận của Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.

Trong những ngày qua, Bắc Kinh đã nỗ lực phản đối ý định của Tổng thống Mỹ Obama muốn nêu vấn đề Biển Đông ra trước Hội nghị EAS gồm 18 nước. Tuy nhiên, nỗ lực này đã bị thất bại. Và, sau khi ông Obama nêu ra vấn đề này, nhiều nước đã hưởng ứng. Hơn thế, quan điểm chủ quyền lịch sử của Trung Quốc hầu như đã bị toàn bộ các nước có mặt tại Bali phủ nhận.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được mọi người thừa nhận. Khái niệm tôn trọng luật quốc tế - đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 được nhắc lại ở đây - là nhằm phản bác quan điểm của Bắc Kinh rằng, Biển Đông thuộc về Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Tổng thống Mỹ Obama cũng tỏ thái độ không đồng tình với đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Vấn đề được nhiều nhà phân tích ở đây nêu lên là liệu Trung Quốc có tôn trọng những cam kết nêu trên hay không, hay nước này lại tìm cách dùng sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ?

Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa thì cũng có thể nói rằng tại Hội nghị Bali kết thúc ngày 19.11, Bắc Kinh đã bị đơn độc trong vấn đề Biển Đông vì không một nước nào lên tiếng ủng hộ quan điểm chủ quyền của Trung Quốc.

Trên thực tế, trong các cuộc họp ở Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19, Bắc Kinh đã bị đẩy vào thế thủ do quan điểm đòi chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông của họ dựa trên yếu tố lịch sử. Trong nhiều cuộc họp song phương hay đa phương, vấn đề này đã được gợi lên và đi đến cùng một kết luận: Tranh chấp phải được giải quyết trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

content top