Trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu quốc hội (QH), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói lên tiếng nói khẳng định đầy trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam (VN) trong những vấn đề lớn của đất nước. Về chủ quyền của VN.
Đối với quần đảo Hoàng Sa, thì đây là vấn đề đã được Nhà nước và nhân dân VN khẳng định từ lâu trong các văn bản pháp lý cũng như trên công luận. Nhưng người dân vẫn thiết tha mong được nghe trực tiếp người đứng đầu Chính phủ nói thẳng thắn về vấn đề này mà không phải dùng một từ mà người dân rất dị ứng là “nhạy cảm”. Chủ quyền của đất nước là vấn đề lớn lao, nghiêm trọng, rõ ràng, chứ không phải vấn đề nhạy cảm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rõ: trong lịch sử, ít nhất là từ thế kỷ 17, VN đã làm chủ thật sự quần đảo Hoàng Sa, khi quần đảo này chưa thuộc bất cứ quốc gia nào. Năm 1956 và năm 1974, Trung Quốc đã hai lần chiếm đóng và dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN, lúc đó thuộc quyền quản lý của chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn và Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam VN lúc đó đã kịp thời lên tiếng phản đối, lên án sự xâm chiếm trái phép đó và yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp.
Nhưng VN là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế. Vì vậy, chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.
Như vậy là sự thật đã được nói lên một cách rõ ràng, chính danh, không tránh né. Với chủ quyền của VN trên quần đảo Trường Sa, cách trả lời của Thủ tướng cũng hợp tình hợp lý, hợp hoàn cảnh thực tế.
Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, một khi nó đã được người đứng đầu Chính phủ VN tuyên bố một cách bình tĩnh và dõng dạc như vậy, là thêm một lần nữa khẳng định ý nguyện của toàn dân VN kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên đất, trên biển và các đảo thuộc quốc gia mình.
Cũng chính từ việc tôn trọng ý nguyện nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị QH xem xét đưa luật Biểu tình vào chương trình xây dựng pháp luật (và đã được QH thông qua). Mục đích của xây dựng luật Biểu tình là để đảm bảo quyền tự do, dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp VN quy định tại điều 69. Không thể lập luận như một ý kiến của đại biểu nào đó là do dân trí VN còn thấp nên chưa thể xây dựng luật Biểu tình. Nói như thế không chỉ xúc phạm nhân dân, mà còn vi hiến. Mỗi đạo luật ra đời chính là để nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của mỗi người dân, cũng chính là để nâng cao dân trí. Tự do và dân chủ phải là mục tiêu phấn đấu của một đất nước, một dân tộc, và pháp luật chính là để đảm bảo thực thi quyền tự do dân chủ ấy của mỗi công dân.
Cử tri cả nước đã được nghe những câu trả lời rành rọt, trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về những vấn đề mà mình quan tâm. Một khi nhân dân đã quan tâm một cách thiết tha tới những vấn đề lớn lao của đất nước, của cộng đồng như vậy, thì rõ ràng dân trí VN không hề thấp. Người đứng đầu Chính phủ, qua trả lời trước QH của mình, cũng đã khẳng định điều đó.
Vấn đề bây giờ chỉ là những biện pháp để thực hiện những điều đã được khẳng định ấy mà thôi.
Thanh Thảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét