Ngày 13.11, cuộc họp lần thứ nhất Nhóm làm việc của các quan chức cấp cao ASEAN thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) đã diễn ra tại Bali (Indonesia).
Cuộc họp được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19.
Một số nguồn tin ngoại giao cho biết, các chuyên gia tham dự cuộc họp đã nêu lên sự cần thiết phải phát huy chủ động trong việc xúc tiến xây dựng một văn bản có tính ràng buộc pháp lý cao hơn nhằm điều chỉnh các hành vi ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông.
Cuộc họp đã đưa ra một số định hướng cơ bản về nguyên tắc tiếp cận, nội dung, lộ trình xây dựng và sự phối hợp giữa ASEAN với Trung Quốc trong vấn đề này.
Cuộc họp trên được đánh giá có ý nghĩa biểu tượng quan trọng, thể hiện sự tập trung về ý chí và nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng COC, đưa nội dung và lộ trình này báo cáo các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19.
Trong khi đó, Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) ngày 13.11 đưa tin Philippines muốn ASEAN ủng hộ đề xuất của nước này về một “Khu vực hoà bình, tự do, thân thiện và hợp tác ASEAN - Trung Quốc” trong vấn đề biển Đông.
Philippines cho rằng, đây là thời điểm để ASEAN đóng “một vai trò quyết định” trong việc giải quyết vấn đề này và đề nghị ASEAN đứng ra tổ chức một cuộc gặp cấp bộ trưởng giữa các nước thành viên liên quan và Trung Quốc.
Hãng tin AP dẫn lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Philippines Jose Layug Jr. cho biết hôm 14.11, Philippines đã bác bỏ việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở vùng biển cách quần đảo Palawan của Philippines 80km. Trung Quốc - hồi tháng 7.2011 - đã phản đối kế hoạch của Philippines về việc mời các công ty nước ngoài đấu thầu quyền khai thác dầu khí trong khu vực này.
Theo ông Layug, đây là các điểm trong vùng lãnh hải ngoài khơi gần nhất với quần đảo Palawan của Philippines, chỉ cách Palawan 80km, trong khi cách bờ biển gần nhất của Trung Quốc tới 500km.
Ông Layug cho biết, Chính phủ Philippines đã nói với phía Trung Quốc rằng khu vực này nằm hoàn toàn trong vùng biển của Philippines. Khoảng 50 nhà đầu tư nước ngoài - kể cả một số công ty dầu khí lớn nhất thế giới - đã bày tỏ sự quan tâm đến việc khai thác dầu khí ở Philippines, trong đó một nửa là ở các khu vực mới mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Theo ông, “vấn đề của họ là được đảm bảo an ninh và có sự ủng hộ của Chính phủ Philippines khi họ giành được hợp đồng”.
Ông Layug khẳng định, Philippines bác bỏ hành động phản đối của Trung Quốc, đồng thời cho rằng tuyên bố này của Trung Quốc có thể khiến Philippines xúc tiến việc giải quyết bằng cách đưa vấn đề ra Liên Hợp Quốc (LHQ) để LHQ phán quyết về các tranh chấp lãnh hải ở biển Đông.
Theo dự kiến, ASEAN sẽ thảo luận về vấn đề biển Đông vào ngày 16.11 với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
V.N (Theo TTXVN, AP)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét