content top

Trung Quốc không muốn bàn Biển Ðông tại Hội nghị cấp cao Ðông Á

Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ đề nghị thảo luận vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) họp cuối tuần này ở Bali, Indonesia theo yêu cầu của một số quốc gia trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ có kế hoạch đề cập chủ đề Biển Đông khi đến Philippines.

Sau khi Trung Quốc thêm yêu sách chủ quyền đối với vùng biển đảo mà Philippines cũng nói là của họ, Manila yêu cầu mang các tranh chấp ra bàn hội nghị, sẽ được tổ chức tại Bali ngày 17/11-19/11, đồng thời muốn Liên hợp quốc tham gia phân xử.

Tuy nhiên, hôm qua Trung Quốc chính thức lặp lại quan điểm “chỉ thảo luận song phương với các bên liên quan”.

Phát biểu với báo giới tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói: “Vấn đề Nam Hải (Biển Đông) không có liên quan gì tới EAS vì đây là diễn đàn để thảo luận các chủ đề hợp tác kinh tế và phát triển... Trung Quốc tin rằng tranh chấp cần được giải quyết thông qua hiệp thương hòa bình giữa các nước trực tiếp liên quan”.

Hội nghị Bali lần này lần đầu tiên có Mỹ và Nga tham gia với tư cách thành viên chính thức. Mỹ từng tuyên bố có quan tâm quốc gia trong việc bảo đảm an ninh và tự do lưu thông trong vùng Biển Đông.

Thứ trưởng Lưu nói, dường như ám chỉ Mỹ: "Việc tham gia của các thế lực bên ngoài không có ích lợi gì cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông mà ngược lại, chỉ làm phức tạp thêm tình hình, đe dọa hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực".

Ông Lưu cho rằng hội nghị cấp cao là một diễn đàn để thảo luận các vấn đề phát triển kinh tế và mậu dịch.

Trong khi đó, Sau hội nghị APEC, từ Honolulu, Ngoại trưởng Mỹ tới Manilla, Philippines hôm qua, tiếp tục hành trình ngoại giao hướng tới châu Á của Mỹ.

Theo các quan chức tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ, hôm nay 16/11, bà Hillary Clinton sẽ gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Hai bên sau đó sẽ ra tuyên bố đề cập đến tương lai quan hệ đồng minh giữa Washington và Manila.

Ngoại trưởng Mỹ có kế hoạch đề cập chủ đề Biển Đông với người đồng nhiệm nước chủ nhà.

Các tuyến hàng hải trong vùng Biển Đông cũng là một ưu tiên đối với Washington, vì Mỹ nói là có quan tâm về an ninh và điều được mô tả là thương mại quốc tế không gặp trở ngại trong vùng Biển Ðông.

Mới đây trong lúc tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc trở nên căng thẳng, Washington đã bán cho Manila một chiến hạm và theo nguồn tin thân cận của Ngoại trưởng Mỹ thì trong thời gian tới Philippines sẽ tiếp tục mua thêm một tàu chiến mới của Mỹ.

Tại Honolulu, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh APEC Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố rằng Mỹ đang “cập nhật” quan hệ với các đồng minh châu Á như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Thái Lan. Đây là 5 nước đồng minh vẫn ủng hộ sự hiện diện của Mỹ tại châu Á với vai trò bảo đảm an ninh khu vực.

Sau Philippines, Ngoại trưởng Mỹ sẽ ghé qua Thái Lan trước khi tới Indonesia để dự hội nghị cấp cao ASEAN cùng với sự hiện diện của Tổng thống Obama.

Việt Hà
Theo AP, AFP, BBC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

content top