Tại Hội nghị cấp cao APEC ở Hawaii hôm 12.11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố những nét chính của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) về việc tạo ra một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới.
Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tại Honolulu. |
Việc định hình được TPP là một kết quả rất cụ thể của APEC lần này, tuy nhiên nó cũng làm nổi bật sự cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực.
“Tôi tin rằng chúng ta sẽ thông qua được TPP - ông Obama phát biểu tại APEC - Chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy xuất khẩu và tạo ra nhiều hàng hoá sẵn có hơn cho người tiêu dùng, tạo việc làm mới. Cạnh tranh, thắng lợi trên các thị trường của tương lai”. 21 thành viên APEC chiếm tổng cộng 44% thương mại toàn cầu, chiếm khoảng 40% dân số thế giới. Ông Obama nói, Châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và tỏ ý hy vọng thoả thuận về TPP có thể đạt được vào đầu năm tới. Ông cũng cho rằng, TPP có thể đóng vai trò là mô hình cho các hiệp định thương mại khác.
TPP hiện bao gồm: Chile, New Zealand, Brunei và Singapore - tất cả đều là những nền kinh tế tương đối nhỏ. Còn Mỹ, Australia, Malaysia, Việt Nam và Peru đang đàm phán gia nhập TPP. Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - cho biết mới đây rằng nước này cũng muốn tham gia đàm phán. Tổng thống Mỹ Obama nói, ông “vô cùng ấn tượng với sự dũng cảm” của Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda - người đưa ra quyết định đàm phán gia nhập TPP dù bị nông dân Nhật phản đối dữ dội.
Vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu của Châu Á khiến việc xoá bỏ các rào cản và nút cổ chai cản trở thương mại đầu tư trở nên rất cấp bách. Phát biểu tại APEC, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói: “Giờ đây có một cột trụ Châu Á trong nền kinh tế toàn cầu. Nếu chúng ta nhất trí phát triển sự cân bằng động ở Châu Á - Thái Bình Dương và Đông Á, thì sự có mặt của Mỹ có thể là cột trụ để chúng ta đảm bảo rằng khu vực có thể phát triển về mặt kinh tế”.
Song, Nga và Trung Quốc đều chưa đàm phán TPP. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tỏ ra lưỡng lự: “Cho đến giờ đó có vẻ là một dự án thú vị. Chúng ta sẽ chờ xem thế nào”. Còn Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chỉ nói rằng, ông ủng hộ mục tiêu lâu dài về đàm phán hiệp định thương mại tự do của khu vực, một hiệp định mà trong tương lai có thể bao gồm tất cả các thành viên APEC.
Chặng đường của TPP còn rất dài. Một cản trở là trong khi các nước tiến tới hiệp định tự do thương mại của cả khu vực, thì họ vẫn xúc tiến các thoả thuận tự do thương mại song phương nhằm tiếp sức cho tăng trưởng trong thời kỳ nền kinh tế toàn cầu cần sự năng động của Châu Á hơn bao giờ hết để làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng từ Châu Âu. Hơn nữa, mọi quyết định của APEC là sự nhất trí, có nghĩa là viễn cảnh cho những thay đổi lớn lao ngay lập tức là rất mờ nhạt, cho dù theo thời gian đã có nhiều nỗ lực ủng hộ quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn và thương mại tự do hơn.
V.N (Theo BBC, AP)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét