content top

Trung Quốc thừa nhận tụt hậu 20 năm về quân sự

  - Sức mạnh của lực lượng vũ trang Trung Quốc còn tụt hậu 20 năm so với sức mạnh quân sự của Mỹ và mặc dù quân đội Trung Quốc đang phát triển những khả năng mới nhưng đó không phải là mối đe dọa đối với an ninh châu Á. Đó là phát biểu của Thượng Tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 10 (hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La 10).


Thượng Tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc


Tướng Lương Quang Liệt cho biết: “Sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc không phải nhằm mục đích hiếu chiến với các nước láng giềng. Tôi biết nhiều người có xu hướng nghĩ rằng song hành với sự lớn mạnh về kinh tế, Trung Quốc sẽ trở thành một mối lo ngại lớn về quân sự đối với các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc không bao giờ có ý định bành chướng về quân sự hay tham vọng về quyền bá chủ. Đó là cam kết chính thức của chính phủ Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế”.

Trong khi đó, hãng tin AFP cũng dẫn lời Tướng Lương cho hay: "Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Tình hình ở Biển Đông vẫn ổn định. Vấn đề tự do hàng hải trong khu vực không hề bị vi phạm".

Ông Lương cũng tuyên bố các bên cần "ủng hộ dân chủ trong quan hệ quốc tế và tôn trọng lợi ích cơ bản của mỗi nước" thì châu Á Thái Bình Dương mới có "hòa bình, ổn định và hòa hợp lâu dài".
  
Bên lề hội nghị an ninh, ông Lương đã có cuộc hội đàm song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates.

Trong cuộc gặp này, ông Lương nói: "Trung Quốc đang trong quá trình phát triển và hiện đại hóa hệ thống quân sự và quốc phòng. Tuy nhiên, sức mạnh của lực lượng quân sự Trung Quốc vẫn kém xa các cường quốc phát triển trong đó có Mỹ".

Hồi tháng 3 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng 12,7% ngân khố để hiện đại hóa hệ thống quân sự quốc phòng, đây được coi là một mối quan ngại đối với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong đó có cả Nhật và Mỹ.

Quan hệ Mỹ - Trung - Đông Nam Á và tình hình tại Biển Đông là những vấn đề nổi bật tại Diễn đàn Shangri-la lần thứ 10 vừa khai mạc tại Singapore hôm 3/6.
Được bắt đầu từ năm 2002 và tổ chức hàng năm, Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies -IISS), trụ sở chính tại London, chủ trì.
Đối thoại Shangri-La tuy là sự kiện không chính thống nhưng có tầm quan trọng lớn vì là cơ hội hiếm có cho các bộ trưởng quốc phòng các quốc gia trong khu vực gặp gỡ và trao đổi ý kiến; và các phát biểu tại diễn đàn luôn được trích dẫn rộng rãi như quan điểm của các nước.

Vấn đề tranh chấp vùng lãnh hải ở Biển Đông đang trở thành vấn đề "nóng bỏng" trong thời gian gần đây nhất là sau khi các quốc gia láng giềng cáo buộc Trung Quốc liên tiếp có những hành động :gây hấn" leo thang trong khu vực này.
Hồi tháng 5 vừa qua, một con tàu Trung Quốc đã cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN ở vùng lãnh hải của Việt Nam. 
Chưa hết, đến ngày 1/6 vừa qua, bốn tàu cá của Việt Nam trên vùng biển Phú Yên cũng đã bị một con tàu hải giám của Trung Quốc bắn đuổi và uy hiếp ngay trên vùng lãnh hải của Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, Philippines cũng phản đối bằng đường ngoại giao sau khi tàu Trung Quốc xâm nhập vào khu vực có tranh chấp ở Trường Sa.Tại hội nghị ở Singapore, Tổng thống Philippines – Benigno Aquino còn cho biết quốc gia này sẽ liệt kê 7 vụ “va chạm” liên tiếp chỉ trong vòng 4 tháng của phía Trung Quốc trong vùng lãnh hải tranh chấp được cho là thuộc về Manila.

Tham gia hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo rằng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang trên Biển Đông sẽ là rất lớn nếu các bên không thông qua được một quy chế giải quyết căng thẳng một cách hòa bình.

Bộ trưởng Gates theo đó, cũng kêu gọi các quốc gia từng tham gia xây dựng hiệp ước 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử COC nhằm giải quyết bất đồng thông qua hòa bình.

Tuy nhiên, các quốc gia liên quan trong đó có Việt Nam đều mong muốn sẽ giải quyết căng thẳng và tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao hòa bình.

Đan Khanh - (tổng hợp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

content top