content top

Biển Đông làm "sôi sục" Hội nghị An ninh châu Á

Ngày 3/6, Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 10 (hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La 10) đã chính thức khai mạc tại Singapore. Trong 3 ngày làm việc liên tiếp, các quan chức quốc phòng của 28 nước trong khu vực gồm Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia... cùng đại diện của NATO và Nga sẽ có các cuộc đối thoại về những vấn đề an ninh đang nổi lên, các học thuyết quân sự mới, ngân sách quốc phòng các nước, sự phát triển vũ khí hạt nhân và những tranh chấp về chủ quyền cũng như vấn đề an ninh hàng hải.


Quang cảnh cuộc tiếp xúc giữa Bộ trưởng Quốc phòng nước ta Phùng Quang Thanh (bên trái) với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Ảnh: TTXVN.


 
Hội nghị được kỳ vọng là cơ hội để nâng cao sự minh bạch các chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự trong khu vực.

Trong chương trình nghị sự lần này, các phiên họp của hội nghị tập trung vào những vấn đề an ninh đang nổi lên, các học thuyết quân sự mới, ngân sách quốc phòng các nước, tranh chấp chủ quyền, sự phát triển vũ khí hạt nhân, vấn đề an ninh hàng hải hay các lợi ích về an ninh của Trung Quốc.
Theo nhiều tờ báo của Thái Lan, Malaysia và Philippines, chủ đề liên quan đến Biển Đông sẽ được nhắc đến nhiều trong 3 ngày diễn ra hội nghị bởi thời gian gần đây, sự gia tăng các hoạt động của Trung Quốc trên vùng biển này đã khiến nhiều quốc gia láng giềng nói riêng và thế giới nói chung quan ngại.
Riêng về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đặc biệt lưu ý các đại biểu tham dự đối thoại, các bên tham gia không được để tranh chấp leo thang và cần kiên trì tìm kiếm giải pháp hòa bình qua khuôn khổ ngoại giao. Bên lề hội nghị, các cuộc tiếp xúc song phương cũng được cho là cơ hội nhằm tăng sức mạnh của đối thoại hòa bình.
Tiếng nói của Việt Nam
Tham dự hội nghị lần này, đoàn đại biểu Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu, đã thu hút được sự chú ý, quan tâm của đại biểu các nước và dư luận quốc tế khi có bài phát biểu với chủ đề "Phản hồi trước các đe dọa an ninh hàng hải mới". Theo nhiều nhà phân tích, bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh đã thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam trong một loạt vấn đề an ninh, trong khi vấn đề biển Đông đang thực sự "nóng" trên diễn đàn.
Trước khi có bài phát biểu quan trọng này, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng có cuộc tiếp xúc song phương với Thượng tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Đánh giá quan hệ Việt - Trung đang phát triển tốt đẹp, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân Nam hết sức coi trọng quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quan hệ tốt đẹp giữa hai nước còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và đôi khi vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Nêu sự việc tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 ngày 26/5 bị  tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp khi tàu Bình Minh 02 đang hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định: "Vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại. Tại Hội nghị này, một số quan chức và báo giới cũng hỏi tôi về sự việc này".
Đại tướng Phùng Quang Thanh nói: "Bài phát biểu của tôi đề cập đến sự việc tàu Bình Minh 02 một cách khách quan để khu vực và thế giới hiểu đúng. Dù tôi không đề cập thì thế giới cũng biết rõ vì trên tàu Bình Minh 02 có thuyền trưởng là người Nga và có thủy thủ đoàn mang nhiều quốc tịch khác nhau" và đề nghị các cơ quan cấp dưới của hai bên chấp hành nghiêm chỉnh những cam kết của lãnh đạo hai nước.
Đưa ra quan điểm của Chính phủ Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: "Hai bên cần bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), một văn kiện đã được ký giữa ASEAN và Trung Quốc".
Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, vấn đề tranh chấp ở biển Đông có thể phải giải quyết lâu dài. Do vậy, ngành Ngoại giao hai nước cần đàm phán hòa bình và lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đối thoại, đưa ra những quyết sách mà hai bên có thể chấp nhận được. Việt Nam cũng sẵn sàng cùng Trung Quốc hợp tác phát triển ở khu vực hai nước có tranh chấp thật sự chiếu theo UNCLOS 1982.
Nhất trí với những đánh giá của Đại tướng Phùng Quang Thanh về mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Trung Quốc, Thượng tướng Lương Quang Liệt cho biết, quan điểm của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở biển Đông là giải quyết thông qua đàm phán ngoại giao.
Thượng tướng Lương Quang Liệt nói: "Trung Quốc sẵn sàng thảo luận vấn đề này ở các diễn đàn đa phương và phản đối các hành động đơn phương. Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông và thực thi đầy đủ DOC".
Về những đề xuất của Việt Nam, Thượng tướng Lương Quang Liệt cũng nhất trí rằng hai nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các văn kiện khác. "Quân đội hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi không mong muốn sự việc tương tự xảy ra trong tương lai", Thượng tướng Lương Quang Liệt khẳng định<>
Quan điểm của ASEAN


Có thể nói, chưa bao giờ, Đối thoại Shangri-La lại "nóng" như lần này. Các chủ đề nổi bật tại hội nghị bao gồm cả tranh chấp biên giới Thái Lan - Campuchia, xung đột Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên; quan hệ an ninh Mỹ - Trung và vấn đề biển Đông. Ngay trong bài phát biểu khai mạc, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) John Chipman đã khẳng định: "Các cuộc thảo luận giữa đại diện quốc phòng các nước sẽ là cơ hội quan trọng để giảm căng thẳng và tạo không gian ngoại giao".

Còn Thủ tướng Malaysia Najib Razak thì tuyên bố, tranh chấp chủ quyền biển Đông là một vấn đề phức tạp và lưu ý: "Chúng ta không được phép để các tranh chấp leo thang qua khuôn khổ ngoại giao. Các bên cần kiên trì tìm giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp". Quan điểm của Malaysia là cam kết ủng hộ một quan điểm chung của ASEAN trong nỗ lực đối thoại với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Ông Najib Razak nói: "Lợi ích quốc gia ngày càng trở thành lợi ích tập thể và nhiệm vụ của chúng ta giờ đây là phản ánh lợi ích này trên quan hệ đa phương. Tôi tin tưởng rằng con đường trước mắt cần phải được xây dựng trên sự hợp tác và không đối đầu, và vì điều này, mọi khu vực, mọi quốc gia, mọi nhà lãnh đạo ở đây hôm nay cần phải đóng góp vai trò của mình".

Thủ tướng Najib Razak cũng kêu gọi Trung Quốc và Mỹ hợp tác với ASEAN. Quan điểm của nhà lãnh đạo Malaysia cũng như các quốc gia khác trong khu vực là, thay vì lựa chọn, châu Á cần đẩy mạnh hợp tác với Mỹ - siêu cường quân sự của thế giới; và với Trung Quốc - một cường quốc đang lên, nhằm giải quyết các vấn đề an ninh khu vực như chống nạn buôn người, khủng bố, buôn lậu thuốc phiện và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông Najib Razak nói: "Trung Quốc là đối tác của chúng tôi. Mỹ cũng là đối tác của chúng tôi. Ở đây không có chuyện chọn một phía. Chúng ta phải thay đổi chủ nghĩa lưỡng cực của Chiến tranh Lạnh, nhưng không phải bằng một lưỡng cực khác mà bằng chủ nghĩa đa cực. Đó là cách tiến lên phía trước: Đối thoại, gặp gỡ và đồng thuận".

(theo CAND)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

content top