- Các chuyên gia quân sự Trung Quốc hôm qua (28/7) cho biết, do nước này bị bao vây bởi các tàu sân bay nước ngoài nên họ cần phải sở hữu những tàu sân bay riêng để đảm bảo an ninh quốc gia.
Trước đó, hôm thứ Tư (27/7), chính phủ Trung Quốc đã lần đầu tiên lên tiếng xác nhận nước này đang nâng cấp và đại tu một tàu sân bay từ thời Xô-viết để lại. Thông tin này đã gây lo ngại cho nhiều nước láng giềng và Mỹ.
Để trấn an các nước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, nước này phát triển tàu sân bay chỉ để phục vụ mục đích nghiên cứu, thí nghiệp khoa học và đào tạo. Dù có tàu sân bay, Trung Quốc vẫn theo đuổi con đường phát triển hoà bình. Trong khi đó, các chuyên gia quân sự thì lý giải, Trung Quốc cần phải sở hữu tàu sân bay do nước này bị bao vây bởi một loạt tàu sân bay và tàu chiến lớn của nước ngoài.
Hiện nay, Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc duy nhất không có tàu sân bay đang hoạt động.
"Mỹ có 11 tàu sân bay đang hoạt động và nước này triển khai tới 5 chiếc tại khu vực Thái Bình Dương", Phó Đô đốc Yin Zhuo, Giám đốc Uỷ ban Chuyên gia Tư vấn của Lực lượng Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), cho biết.
Các nước láng giềng của Trung Quốc như Ấn Độ và Nga đều có tàu sân bay và đang tiếp tục phát triển loại tàu chiến đặc biệt này. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu những chiếc tàu chiến khổng lồ có thể được sử dụng như tàu sân bay nếu họ có thể mua những chiếc máy bay hạ cánh thẳng đứng F-35B, ông Yin cho hay.
"Các nước khác không nên ngạc nhiên nếu Trung Quốc đóng một chiếc tàu sân bay để phục vụ cho mục đích đào tạo", ông Li Jie, một nhà nghiên cứu thuộc Viên nghiên cứu của Hải quân PLA, đã nói như vậy.
Ví dụ, Ấn Độ là nước đầu tiên ở Châu Á có tàu sân bay sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Nước này đã mua tàu sân bay HMS Hercules của Anh năm 1957 và đặt tên lại là tàu Vikrant. Năm 1986, Ấn Độ mua một chiếc tàu sân bay khác của Anh là HMS Hermes và nâng cấp, sửa sang lại trước khi đổi tên là INS Viraat.
Theo ông Li, năm 2004, Ấn Độ tiếp tục mua tàu sân bay Đô đốc Gorshkov của Nga. Một năm sau, Ấn Độ bắt đầu tự đóng một chiếc tàu sân bay riêng và dự kiến sẽ đưa con tàu này vào hoạt động năm 2014.
Ngoài lý do hai nước láng giềng Nga, Ấn có tàu sân bay, nhà nghiên cứu Li còn đưa ra lý do khác để giải thích cho việc Trung Quốc cần có tàu sân bay. Theo ông Li, Trung Quốc bị bao vây bởi nhiều tàu sân bay nước ngoài, gần nhất là tàu USS Washington của Mỹ. Con tàu này đang được triển khai tại căn cứ Yokosuka ở Nhật Bản. Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều tàu chiến trọng tải lớn sở hữu tính hiệu quả chiến đấu tương tự như những chiếc tàu sân bay hạng nhẹ, ông Li nói thêm. Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản hiện đang có hai chiếc tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga có trọng tải 18.000 tấn mặc dù Nhật Bản chỉ gọi hai chiếc tàu này là “tàu khu trục trực thăng".
Theo Phó Đô đốc Yin, khả năng phòng vệ hiện nay của Hải quân Trung Quốc không thể đáp ứng những đòi hỏi trong nhiệm vụ của lực lượng này. “Lực lượng tàu chiến và máy bay của Hải quân Trung Quốc không thể phối hợp đồng bộ trong các nhiệm vụ ở vùng biển ngoài khơi", ông Yin cho biếtđồng thời cho biết thêm, Hải quân của họ đã học được một bài học từ các nhiệm vụ đặc biệt ở vùng biển Somali và Libya rằng họ cần phải có một tàu sân bay để bảo vệ tốt hơn an ninh và các lợi ích quốc gia.
"Việc Trung Quốc theo đuổi một tàu sân bay sẽ không gây ra mối đe doạ nào cho các nước khác. Các nước phương Tây nên chấp nhận và quen với thực tế là chúng tôi đang phát triển tàu sân bay", ông Yin nhấn mạnh.
Trung Quốc đã mua tàu sân bay cũ từ Ukraine cách đây hơn một thập kỷ và đã tiến hành nâng cấp, đại tu con tàu được đặt tên là Varyag này. Gần đây liên tục xuất hiện những thông tin cho rằng Trung Quốc sắp có trong tay tàu sân bay đầu tiên. Hồi đầu tháng 4, Tờ Tân Hoa xã của Trung Quốc đã lần đầu tiên cho đăng tải một loạt những bức ảnh về chiếc tàu sân bay Varyag đang được nâng cấp tại nhà máy đóng tàu Dalian. Những bức ảnh này cho thấy, Trung Quốc sắp hoàn thành việc nâng cấp con tàu. Điều này đã khiến nhiều nước kinh ngạc về tốc độ nâng cấp tàu sân bay của Trung Quốc bởi nó đã diễn ra nhanh hơn dự đoán rất nhiều. Đồng thời, tin tức về việc Trung Quốc sắp có tàu sân bay cũng gây lo ngại cho nhiều nước, đặc biệt là Mỹ.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích quân sự, sự xuất hiện của chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc chỉ mang tính biểu tượng bởi sẽ phải mất thời gian dài để Trung Quốc hoàn thành các công tác đào tạo, phát triển và diễn tập trước khi tàu sân bay của nước này chính thức hoạt động được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét