content top

Trung Quốc và những “chiến lược” sau đội tàu Hải giám

Các quốc gia châu Á lâu nay ngờ vực những cam kết ngoại giao của Trung Quốc về hòa bình và ổn định khu vực, mới đây lại phải lưu tâm đến tuyên bố của Bắc Kinh về đẩy nhanh việc xây dựng một hải quân biển xa hiện đại.

Những “chiến lược” của Bắc Kinh sau tuyên bố này là gì?
Tàu Tuần hải 31 Trung Quốc tuyên bố vừa triển khai đến Biển Đông.
Những phô trương

Báo chí Trung Quốc hôm 17/6 đưa tin nước này sẽ tăng cường mạnh mẽ quy mô lực lượng hải tuần vào năm 2020 “để bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc”, trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông (mà Trung Quốc gọi là Nam Hải) đang gia tăng.

Theo tờ China Daily tiếng Anh của Trung Quốc, từ nay đến 2015, lực lượng hải giám sẽ có 16 máy bay và 350 tàu tuần tra. Hiện nay, quân số lực lượng hải giám Trung Quốc vào khoảng 9.000 nguời và đến năm 2020 sẽ lên đến 15.000 người.

Báo trên dẫn lời một quan chức cấp cao của Lực ượng giám sát hàng hải giấu tên cho biết đội tuần tra sẽ có 359 tàu vào năm 2015 và 520 tàu vào năm 2020, và cũng sẽ có 16 máy bay vào năm 2015.
Trung Quốc có ít nhất 26 tàu hải giám với trọng lượng nước rẽ từ 1.000 tấn trở lên.
Giải thích lý do Bắc Kinh tăng cường lực lượng hải giám, China Daily viết: “Số vụ xâm phạm không phận và hải phận Trung Quốc đã gia tăng trong những năm vừa qua. Lực lượng hải giám Trung Quốc ghi nhận được 1303 vụ xâm nhập đường biển và 214 vụ xâm phạm không phận trong năm 2010, trong khi đó, tổng số xâm phạm trong năm 2007 chỉ là 110 trường hợp”.

Cùng lúc thông báo kế hoạch tăng cường lực lượng hải giám, Trung Quốc đã điều động tàu hải giám lớn nhất, tàu Tuần hải 31, đến khu vực Biển Đông. Về mặt chính thức, chiếc tàu này sẽ đậu tại cảng Singapore trong hai tuần trong khuôn khổ các trao đổi về tìm kiếm cứu nạn, chống hải tặc và quản lý bến cảng.

Trung Quốc cũng vừa đưa tàu khảo sát vùng biển gần đảo Okinotori của Nhật Bản. Trung Quốc từ trước đến nay vẫn cho rằng đảo Okinotori chỉ là một “tảng đá”, nên việc Nhật Bản thiết lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) là không phù hợp. Trung Quốc đã tăng cường hoạt động ở vùng biển xung quanh đảo này của Nhật Bản.

Đầu năm nay, giới chức hànghải Trung Quốc tuyên bố “chiến thắng” trong việc bảo vệ các tuyến vận chuyển dầu và chống hải tặc đe dọa ngư dân cũng như các tàu thuyền thương mại trong và ngoài các vùng biển Trung Quốc. Họ nói rằng lực lượng hàng hải đã tiến hành hơn 1.600 cuộc giám sát biển trong 5 năm qua, tổng cộng bao quát được 1,6 triệu hải lý.
Tài liệu Tăng cường Luật pháp Biển Trung Quốc của Cơ quan quản lý Đại dương (SOA) trực thuộc Nhà nước Trung Quốc được công bố gần đây cho biết, năm 2010 Cơ quan Hải giám Trung Quốc (CMS) của SOA đã tiến hành 118 lượt tuần tra giám sát trong một khu vực biển rộng 211.428 hải lý và thực hiện 523 chuyến bay trên khu vực 538.480 km. Các toán tuần tra của Trung Quốc đã theo dõi 1.303 tàu thuyền, 214 chuyến bay và 43 mục tiêu khác của nước ngoài.
Trung Quốc kỷ niệm “Ngày Đại dương thế giới” 8/6 bằng việc khẳng định tham vọng trở thành một siêu cường hàng hải cũng như tuyên bố sẽ đẩy mạnh kiểm soát các vùng biển, trong đó có cả những khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông. Bắc Kinh đã không giấu giếm kế hoạch tham vọng tăng cường thêm nhiều tàu hải giám hiện đại trong 5 năm tới, theo đó lực lượng giám sát biển sẽ được mở rộng lên 16 trực thăng và 350 tàu, với 45 tàu thuộc loại có trọng lượng nước rẽ trên 1.000 tấn.


Lo ngại
Lực lượng hải giám thuộc Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc, cơ quan giám sát duyên hải và các vùng lãnh hải của Trung Quốc.
Cơ quan Hải giám Trung Quốc có nhiệm vụ chủ yếu là tuần tra các vùng đặc khu kinh tế biển (EEZ) - được mở rộng từ bờ biển Trung Quốc ra xa mặt biển 200 hải lý. Việc tăng số vụ tuần tra biển của Cơ quan Hải giám Trung Quốc cho thấy cơ quan này đang đẩy mạnh công tác quản lý biển do Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán trước những bất đồng lãnh thổ khu vực.

Theo tài liệu mới đây của viện Jamestown Foundation (Mỹ), Trung Quốc đang tăng cường nhiệm vụ hải giám và củng cố khả năng theo dõi, răn đe và ngăn chặn các tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.
Hiện nay, Cơ quan Hải giám Trung Quốc được trang bị khoảng 300 tàu hải giám, trong đó có gần 30 tàu trọng tải trên 1.000 tấn và 10 máy bay, kể cả 4 máy bay trực thăng.
Để tăng cường khả năng chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát, Cơ quan Hải giám Trung Quốc đang nỗ lực trang bị các loại phương tiện công nghệ cao và máy móc hiện đại. Ví dụ, tàu hải giám trọng lượng 3.000 tấn mới có tên "Haijin 83" được trang bị các máy bay trực thăng đỗ trên boong tàu, các thiết bị vệ tinh mới nhất và máy móc hiện đại.
Đáng chú ý, Cơ quan này cũng đang trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại để kết nối với các hệ thống thông tin liên lạc bờ biển, trên không, trên biển và vũ trụ.
Giáo sư Li Mingjiang thuộc Đại học Tổng hợp Công nghệ Nanyang, Xinhgapo, nhận định nhìn chung khả năng giám sát biển hiện nay của Trung Quốc còn kém Nhật Bản, nhưng chẳng bao lâu nữa "tình hình sẽ thay đổi".

“Biện pháp mới nhất là tăng thêm số lượng nhân viên và tàu chiến chắc chắn sẽ giúp Trung Quốc hiện diện tích cực hơn trên các vùng biển và Biển Đông. Bắt đầu từ tháng 4/2010, Trung Quốc đã giám sát tất cả các vùng biển mà họ quan tâm. Có thể Trung Quốc sẽ tăng số lần giám sát các vùng biển từ 1 đến 2 lần/vài tháng trước đây lên giám sát hàng ngày”, Li Mingjiang nói.

Giới phân tích nhận định, sắp tới Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh bất đồng lãnh thổ với các nước theo hướng có lợi cho họ bằng cách thể hiện sức mạnh quân sự. Cuộc đối đầu gần đây giữa các tàu giám sát Trung Quốc với tàu Bình Minh 02 và các tàu cá của Việt Nam trên Biển Đông cho thấy sức mạnh và mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các nước khu vực.

Giáo sư Trương Minh Lượng của Đại học Tế Nam (Quảng Châu) thì bày tỏ lo ngại về sự mở rộng nhanh chóng các lực lượng hàng hải này, nói rằng nó có thể phủ bóng đen hơn nữa lên các quan hệ giữa Bắc Kinh với những láng giềng vốn đã ngờ vực. Theo ông, bảo vệ các lợi ích hàng hải bằng phô trương sức mạnh “dường như không có lợi cho việc duy trì sự ổn định khu vực về dài hạn”.

Theo:Vietnamnet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

content top