content top

Mọi dữ kiện đều khẳng định Việt Nam có chủ quyền trên biển Đông

Tháng 10/1956, hải quân Đài Loan đến chiếm đảo Ba Đình (Itu-Aba). Ngày 22/10/1956, sắc lệnh số 143-NV của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa thay đổi địa giới các tỉnh và tỉnh lỵ tại Nam Việt (Nam Bộ). Trong danh sách các đơn vị hành chính Nam Việt đính kèm theo sắc lệnh có những thay đổi tên mới, trong đó có tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được gọi là tỉnh Phước Tuy và Spratly thuộc tỉnh Phước Tuy được gọi là Hoàng Sa cùng tên với quần đảo phía Bắc là Paracels.

“Hạnh phúc nơi đầu sóng - Trường Sa”, tác giả Văn Thành Châu


 Trong khi ấy, CHND Trung Hoa cũng đã nhanh chóng chiếm giữ đảo Phú Lâm (Ile Boiseé), đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa, song hành với việc Đài Loan chiếm giữ đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa, một tình tình hết sức phức tạp cho chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Song từ sau Hiệp định Genève mà Trung Quốc đã ký, chính quyền phía Nam mới có trách nhiệm quản lý chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vì hai quần đảo này nằm phía dưới vĩ tuyến 17. Vụ việc công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 chỉ ủng hộ tuyên bố 12 hải lý về lãnh hải của Trung Quốc cũng như những biểu hiện khác của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào thời gian này cũng không có giá trị pháp lý quốc tế về sự từ bỏ chủ quyền. Chính quyền Trung Quốc tố cáo Việt Nam lật lọng là không đúng sự thực và thực chất về chủ quyền ở Hoàng Sa. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh, đối đầu của hai khối chính trị mà CHND Trung Hoa là đồng minh chí cốt của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thù địch với Mỹ cùng các đồng minh Đài Loan và Việt Nam Cộng hòa, nên tất cả những hành động đối đầu cũng chỉ là đối sách chính trị nhất thời.



Ngày 13/7/1961, Sắc lệnh số 174/NV của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang. Sắc lệnh ghi: Quần đảo Hoàng Sa trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, nay đặt thuộc tỉnh Quảng Nam (điều 1). Đặt đơn vị hành chính xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định Hải đặt dưới quyền một phái viên hành chính (điều 2). Tháng 2/1959, nhiều dân chài Trung Quốc định đến đóng trên phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa, nhưng không thành công, bị hải quân Việt Nam Cộng hòa bắt và trao trả lại Trung Quốc.



Ngày 6/9/1973, Bộ trưởng Nội vụ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã sửa đổi việc quản lý hành chính của Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy mà trước đây vào năm 1956, thời chính quyền Ngô Đình Diệm đã có sắc lệnh gọi Spratly là quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, cuộc hải chiến giữa CHND Trung Hoa và Việt Nam Cộng hòa bắt đầu diễn ra ngày 19/1/1974 và kể từ ngày 20/1/1974, Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.



Sau đó, chính quyền Việt Nam thống nhất tiếp tục khẳng định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vẫn chịu những dư âm tác động đối đầu của các thế lực quốc tế trước đây, chưa chấm dứt được sự tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam đã đến, Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong mùa khô năm 1975 bao gồm các đảo và các quần đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc…



Ngày 5/4/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân chủ trương chuẩn bị chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa, nhanh chóng đánh đảo Song Tử Tây trước để làm bàn đạp và rút kinh nghiệm đánh tiếp các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa và các đảo còn lại của quần đảo.



Ngày 9/9/1975, đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Khí tượng thế giới tiếp tục đăng ký đài khí tượng Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Ngày 4/2/1982, Chính phủ Việt Nam thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng nam – Đà Nẵng. Ngày 12/11/1982, Chính phủ Việt Nam công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Ngày 9/12/1982, Chính phủ Việt Nam lập huyện Trường Sa. Đến ngày 28/12/1982, Chính phủ Việt Nam quyết định huyện Trường Sa được nhập vào tỉnh Phú Khánh.



Như vậy, căn cứ vào các dữ kiện lịch sử và hành chính trong các thời kỳ, có thể khẳng định chủ quyền bất khả xâm của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên cả 4 phương diện: lịch sử, địa lý, pháp lý và thực tế.



(theo PLVN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

content top